Vĩnh biệt Minh Thuận: Cuộc sống mấy ai nào biết trước định mệnh

Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Minh Thuận là bài nhạc nước ngoài lời Việt Dù có là người tình: “Cuộc sống mấy ai nào biết trước định mệnh. Và có mấy ai tự đổi thay đời mình. Từng đêm ngồi hàn gắn vết thương của trái tim buồn tênh”.


Định mệnh của Minh Thuận chính là một nghệ sĩ cống hiến hết tài hoa cho sàn diễn, cho sân khấu, cho phim ảnh và cho cuộc đời. Thế rồi “mấy ai nào biết trước” định mệnh khiến Minh Thuận 
chia tay mọi người ở tuổi 47.

Tin Minh Thuận qua đời ngày 18-9 ập đến trong cơn mưa chiều Sài Gòn tầm tã, buồn hiu hắt. Dẫu không quá bất ngờ (vì bệnh tình nguy kịch của Minh Thuận được công chúng quan tâm từ đầu tháng 9 đến nay), nhưng nhiều nghệ sĩ và người ái mộ vẫn bàng hoàng.

Bởi sinh thời, Minh Thuận được người trong giới biết đến như một người nghệ sĩ hiền lành, được đồng nghiệp trân trọng và khán giả hâm mộ trong suốt hơn hai thập niên.

Thời ấy (1989-1995), đôi song ca trẻ Minh Thuận - Nhật Hào được khán giả trẻ yêu thích bởi họ là đôi song ca chuyên “trị” các tình khúc có giai điệu đẹp, dễ nghe, phong cách biểu diễn trên sân khấu cực kỳ trẻ trung, sôi động.

Nhiều ca khúc Minh Thuận - Nhật Hào hát dễ đi vào lòng người như Tình đã phai, Thất tình, Uyên ương hồ điệp mộng, Tiểu Phương, Khi nào em mới biết, Những lời dối gian, Dù có là người tình, Tình đầu chưa nguôi, Nụ hôn biệt ly...

Thời băng cassette U60 và HF 90 còn thịnh hành, hàng loạt album của Minh Thuận - Nhật Hào trên kệ cửa hiệu băng đĩa thời ấy, tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn rằng tiêu thụ với một lượng rất lớn.



Nhạc sĩ Quang Huy, trên trang cá nhân mạng xã hội, hồi nhớ: “Có thể nói Minh Thuận - Nhật Hào là những ca sĩ nhạc trẻ đầu tiên ở Việt Nam có "fan cuồng". Lũ học sinh thời đó tuy chưa có fan club này nọ, không băngrôn, không lightstick (đèn cổ vũ), chỉ có sưu tầm hình ảnh, bìa băng cassette, chép lời ca khúc của Minh Thuận - Nhật Hào dán vào cuốn vở học trò”.

Đã có những cô cậu học trò, hay ca sĩ còn vô danh thời ấy như Đàm Vĩnh Hưng cũng “đạp xe đạp xuống nhà anh Thuận để chờ anh đi diễn về, chờ xin ảnh và chữ ký của thần tượng.

Nhạc sĩ Quang Huy cho rằng ở thời điểm hơn 20 năm trước, “Sài Gòn khi đó chưa có Internet, YouTube hay Facebook thì những cách bày tỏ tình cảm đó là rất chân thật, rất bản năng nhưng có sức lan tỏa ghê gớm”.

“Để trở thành một ca sĩ có chỗ đứng vững vàng, bạn phải đánh đổi khá nhiều thứ. Như bản thân tôi đã dành trọn thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe và cả việc xa người thân để trọn tâm trọn ý cho nghiệp ca hát. Có những nỗi buồn, nỗi cô đơn và sự thất vọng mà cả người thân lẫn khán giả đều không thể biết và cảm thông cho người ca sĩ” - Minh Thuận trả lời phỏng ấn Tuổi Trẻ năm 2004.
Về sau này, khi Nhật Hào định cư ở nước ngoài, Minh Thuận vẫn tiếp tục con đường hát riêng. Anh tiếp tục ra album, hiện diện trên top ten Làn Sóng Xanh với các bài solo: Rêu phong, Nỗi đau ngọt ngào, Tình phai, Lời trái tim muốn nói, Tình thơ...

Giữa năm 2001, công chúng từng lo lắng với tin Minh Thuận bị mất thính giác một bên tai. Tưởng chừng Minh Thuận sụp đổ. "Lúc ấy tôi cũng buồn lắm và nguy cơ chia tay nghề hát hiện ra... Nhưng tôi đã cố gắng trị bệnh và mãi đến sau này đã tái xuất trên sàn diễn", Minh Thuận chia sẻ với người viết trong lần gặp bấy giờ.

Rồi Minh Thuận lại ra mắt album Chiếc bóng - Khi nào em buồn (2004). Ca khúc Chiếc bóng mà Phương Uyên viết cho Minh Thuận gây xôn xao với thông điệp về nỗi ưu tư của một người sống nội tâm quanh quẩn với chiếc bóng của mình. Cho đến một ngày kia anh ta mở cửa ra và nhìn thấy 
nhiều điều mới lạ hơn bên ngoài.

Điều “mới lạ” hơn đó, hẳn là khi Minh Thuận nhận ra mình không còn ở đỉnh cao nghề ca hát, thay vì lui về ở ẩn, anh tiếp tục dấn thân trong các lĩnh vực khác của ngành nghệ thuật và tiếp tục cống hiến với nét duyên tài hoa của mình.

Năm 2008, Minh Thuận đưa nhạc kịch lên sân khấu bằng vở cải lương kinh điển Lan và Điệp quy tụ nhiều ca sĩ ngôi sao. Bản thân anh vào vai diễn Điệp khiến khán giả rơi nước mắt.

Năm 2005, Minh Thuận bắt đầu tham gia các vai diễn khách mời, vai phụ trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình, rồi tiếp tục đóng phim cho đến những năm gần đây.

Vai diễn kịch nói quan trọng của Minh Thuận tại sân khấu 5B trong vở Yêu thầy (năm 2000) cũng mang đến ấn tượng tốt cho khán giả, bên cạnh là các vở kịch khác.

Sức làm việc của Minh Thuận thật đáng nể! Anh từng chia sẻ: “Nghệ sĩ có vui có buồn, có thăng hoa có xuống trầm nhưng không bao giờ tôi nản. Nhờ âm nhạc, tôi vượt qua những khó khăn về sức khỏe, kể cả việc chọn con đường ở lại quê hương, chấp nhận sống xa gia đình”.

Tin Minh Thuận ra đi khiến rất nhiều người cảm giác một phần tuổi trẻ và âm nhạc thời thanh xuân của mình ra đi.

Vĩnh biệt một giọng ca ngọt ngào, một chàng ca sĩ lãng tử!

Nguồn: tuoitre.vn
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét