Nếu như trước đây việc sử dụng chất tạo nạc chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thì hiện nay cơ quan thú y phát hiện có nhiều trang trại nuôi heo lớn, quy mô đàn hàng trăm con cũng sử dụng chất tạo nạc.
Một cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo ở tỉnh này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nếu như trước đây việc sử dụng chất tạo nạc chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thì hiện nay cơ quan thú y phát hiện có nhiều trang trại nuôi heo lớn, quy mô đàn hàng trăm con cũng sử dụng chất tạo nạc.
Điều nguy hiểm là chất tạo nạc có chứa chất salbutamol (thuộc nhóm beta-agonist cùng các chất khác như clenbuterol, ractopamine), từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới vì có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hệ thần kinh… cho người tiêu dùng (NTD). Ở Việt Nam, salbutamol, clenbuterol, ractopamine nằm trong danh mục 22 hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm theo Thông tư 28/2014 của Bộ NN&PTNT.
Kiểm tra là phát hiện chất cấm
Trong đợt kiểm tra mới đây, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 14 trang trại sử dụng chất tạo nạc có chứa salbutamol. Trong đó, huyện Vĩnh Cửu có năm trang trại, huyện Trảng Bom có năm trang trại, huyện Xuân Lộc có ba trang trại, huyện Long Thành có một trang trại.
Trước đó, trong lần kiểm tra đợt đầu (sáu tháng đầu năm 2015), Chi cục Thú ý tỉnh cũng đã phát hiện hai trang trại ở huyện Vĩnh Cửu và một trang trại ở huyện Trảng Bom sử dụng chất tạo nạc có chứa salbutamol để nuôi heo.
Ở TP.HCM, từ tháng 6/2015, Chi cục Thú y TP đã tiến hành kế hoạch thanh tra việc sử dụng chất tạo nạc tại tám cơ sở giết mổ ở quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi.
Tại tám cơ sở giết mổ này, đoàn kiểm tra đã lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn heo của tám tỉnh nhập vào TP là Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mới đây cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta-agonist có nguồn gốc nhiều nhất từ Đồng Nai, tiếp đó là Long An, Tiền Giang.
Chỉ phạt hành chính
Tại TP.HCM,đoàn kiểm tra đã đề xuất lãnh đạo Chi cục Thú y TP xử phạt hành chính 7/8 trường hợp với tổng số tiền hơn 87 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu chủ các cơ sở giết mổ lưu trữ các lô heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm để các trạm thú y quận, huyện lấy mẫu xét nghiệm cho đến khi ra kết quả âm tính.
Tại Đồng Nai, theo Chi cục Thú ý tỉnh, chủ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại chăn nuôi heo sử dụng chất tạo nạc sẽ bị phạt tiền theo Điều 36 Nghị định 119 ngày 9/10/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi). Theo đó, mức phạt tiền đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; đối với trang trại là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ; buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm; buộc phải tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm.
Riêng với những người buôn bán chất tạo nạc, một cán bộ Chi cục Thú ý tỉnh Đồng Nai cho biết cơ quan thú y chưa phát hiện được vụ nào để xử lý do họ mua bán lén lút, tinh vi, chỉ bán cho người quen. "Một mình cơ quan thú y không đủ sức làm rõ, triệt phá mà cần có sự phối hợp của cơ quan công an" - vị này cho biết.
Muốn xử hình sự: Phải sửa luật
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Minh Đạo nhận xét việc chỉ phạt hành chính chủ trang trại sử dụng chất cấm chăn nuôi heo với mức phạt tiền trung bình 15 triệu đồng như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. "Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây hại đến sức khỏe của cộng đồng, làm NTD sản phẩm không chết liền mà chết từ từ. Một khi phạt hành chính không còn đủ sức răn đe nữa thì cần nghiên cứu chuyển sang xử lý hình sự" - ông Đạo nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc xử lý hình sự việc mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, muốn như vậy thì phải sửa đổi, bổ sung BLHS vì hiện nay rất khó áp dụng một tội danh cụ thể nào mà BLHS đang có để xử lý.
Nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng phân tích: Điều 155 BLHS có quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, hàng cấm ở đây được điều luật quy định rõ là hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh. Việc xác định hàng hóa nào thuộc diện này căn cứ vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh được tổng hợp tại Văn bản hợp nhất 19/2014 của Bộ Công Thương. Trong khi đó, chất tạo nạc có chứa chất cấm trong chăn nuôi chưa được liệt kê ở danh mục này.
Mặt khác, cấu thành tội phạm tội này đòi hỏi thêm các dấu hiệu khác như có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc từng bị xử phạt hành chính về hành vi này, từng bị kết án chưa được xóa án tích về tội này…
Chưa kể tội này chỉ điều chỉnh các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, tức giả sử nếu có vận dụng được trong trường hợp này thì cũng chỉ áp dụng với người buôn bán chất tạo nạc chứ không thể áp dụng được với người sử dụng chất tạo nạc nuôi heo.
Đồng tình, TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) bổ sung: Điều 244 BLHS có quy định về hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, muốn xử lý hình sự đòi hỏi các hành vi trên phải gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của nạn nhân.
Hoặc người vi phạm đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích. Ở đây, tác hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe của NTD mang tính chất ngấm ngầm, qua một quá trình lâu dài, làm sao chứng minh được thiệt hại ngay để xử hình sự?
Quen mặt, muốn mua bao nhiêu có bấy nhiêu
Sau khi Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai công bố danh tính và xử lý các trang trại sử dụng chất tạo nạc nuôi heo thì việc mua bán loại chất này diễn ra lén lút, tinh vi hơn.
Trong vai người mới vào nghề nuôi heo, chúng tôi đã tiếp cận các trang trại nuôi heo và các điểm bán thuốc thú y ở TP Biên Hòa để hỏi về chất tạo nạc thì đều được trả lời là "không biết, không mua, không bán". Thế nhưng sau khi đi cùng ông H. (một chủ trại heo), chúng tôi đã chứng kiến việc mua chất tạo nạc tại các điểm bán thuốc thú y rất dễ dàng.
Tại điểm bán thuốc thú y PT ở khu phố 3 (phường Trảng Dài), khi ông H. hỏi mua chất tạo nạc loại sử dụng dài ngày thì chủ cửa hàng giới thiệu lấy loại 600.000 đồng/kg. Tại điểm bán thuốc thú y C. ở khu phố 1 (phường Trảng Dài), ông H. hỏi mua chất tạo nạc loại đậm đặc cho heo ăn trong khoảng chục ngày là xuất chuồng thì chủ cửa hàng giới thiệu loại có giá từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng/100 g. Quan sát, chúng tôi thấy các loại chất tạo nạc này đều đựng trong những túi nylon màu trắng không nhãn mác.
Ông H. kể hiện có rất nhiều điểm bán thuốc thú y ở Đồng Nai lén lút bán chất tạo nạc. Chủ các cửa hàng này chỉ bán cho người quen mặt, muốn mua bao nhiêu cũng có. "Một số người bạn thỉnh thoảng vẫn nhờ tôi mua giúp vì họ chưa mua lần nào nên chủ quán không bán" - ông H. nói.
Ông H. cho biết thêm trên thị trường có hơn chục loại chất tạo nạc giá bán từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/kg, các loại này pha nuôi được khoảng 50 con. Còn loại đậm đặc thì từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng/100 g, pha nuôi được 100 con. Toàn bộ đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Khi được cho ăn chất tạo nạc, heo chỉ nằm và ngủ. Heo sử dụng chất tạo nạc nhìn đẹp hơn so với heo thường, thương lái thích mua hơn nên bán được giá cao hơn 2% so với heo thường. Tùy vào đàn heo, tùy theo nhu cầu mà người mua thuốc cho ăn loại chất tạo nạc nào, cho ăn dài ngày hoặc ngắn ngày. Thường thì trước khi bán một tháng, người chăn nuôi mới bắt đầu cho ăn chất tạo nạc. Đối với loại đậm đặc thì cho ăn hơn chục ngày là bán được.
Tăng mức phạt gấp nhiều lần
Hiện quy định về xử phạt hành chính với hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa quy định để tăng mức phạt lên gấp nhiều lần. Hoặc cũng có thể dùng chính số tiền người chăn nuôi đã trục lợi được để làm căn cứ xử phạt theo hướng hưởng bao nhiêu thì xử phạt bằng số tiền tương ứng.
Luật sư PHAN NGỌC NHÀN, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét